Chủ nhật, 28 Tháng 04 Năm 2024

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đồng bào dân tộc thiểu số

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó giúp người dân đến gần hơn với các chính sách dân tộc, nâng cao khả năng ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Chuyển đổi số giúp người dân đến gần hơn với các chính sách dân tộc

Với mục đích làm cho người dân nhận thức rõ xu hướng tất yếu phải chuyển đổi số, việc chuyển đổi số phải bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, hình thành lên cộng đồng số. Tổ công nghệ số cộng đồng ra đời là cầu nối của chính quyền địa phương thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống, từ đó xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại làng bản, thôn xóm, khu phố…

Chị Lê Thị Thủy, người có uy tín – Tổ trưởng tổ công nghệ số Tổ dân phố số 1, thị trấn An Châu cho biết: “Tổ dân phố số 1 có 287 hộ, 1281 nhân khẩu, có 24 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo, 06 thành phần dân tộc, trên 80% gia đình kinh doanh, 20% là cán bộ, công chức. Đa số người dân đều dùng điện thoại di động, tuy nhiên việc tuyên truyền các chính sách pháp luật nhà nước, khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán tiếp thị trên sàn thương mại điện tử, đảm bảo an toàn thông tin mạng, phòng ngừa lừa đảo trên mạng còn hạn chế...Để tuyên truyền đến người dân, từng thành viên Tổ công nghệ số tham gia tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng giúp việc tuyên truyền hiệu quả đến bà con nhân dân. Với vai trò là người có uy tín tôi lồng ghép việc tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc đến với bà con vùng đồng bào dân tộc nhanh chóng, chính xác”.

Tập huấn thông tin và chuyển đổi số cho Trưởng nhóm người có uy tín

Năm 2023, với ý tưởng xây dựng mỗi xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 01 người có uy tín làm Trưởng nhóm đại diện cho người có uy tín trên địa bàn xã, kết nối với tỉnh, huyện. Ban Dân tộc đã thành lập nhóm Zalo chung để trao đổi công việc, phát huy vai trò hoạt động của Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Việc lập nhóm giúp tăng cường trách nhiệm và nâng cao vai trò, hiệu quả của người có uy tín tại cơ sở khi có sự trao đổi, kết nối chặt chẽ hơn giữa những người có uy tín trên địa bàn xã thông qua người Trưởng nhóm. Giúp cho công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã tổng hợp, đánh giá, nhận xét đối với những hoạt động của những người uy tín trên địa bàn xã.

"Từ khi có nhóm Zalo đã giúp thông tin kết nối hai chiều giữa cơ quan quản lý với đội ngũ người có uy tín được dễ dàng thuận tiện và nhanh chóng, kịp thời hơn. Tôi được tiếp nhận, cập nhật các hướng dẫn, thông báo, chỉ đạo, đề nghị bằng văn bản hoặc qua điện thoại, qua Zalo của Ban Dân tộc, của huyện, của xã đến những Người có uy tín trên địa bàn xã, nhanh chóng triển khai thực hiện kịp thời." Ông Nghiêm Trương Bình, người có uy tín thôn Trại Ổi, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam cho biết.

Fanpage Facebook Khu du lịch Sinh thái Cộng đồng Bản Ven xanh thu hút nhiều lượt theo dõi, tương tác

Với sự phát triển nhanh chóng của internet, việc truyền thông, quảng bá du lịch, hình ảnh con người, danh lam thắng cảnh, đặc sản địa phương... qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok...đang là cơ hội góp phần đưa du lịch ngày càng phát triển kể cả với vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đơn cử như Khu du lịch Sinh thái Cộng đồng Bản Ven xanh, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế đã thành công quảng bá hình ảnh trên nền tảng mạng xã hội. Tính đến nay, trang fanpage Facebook  " Khu du lịch Sinh thái Cộng đồng Bản Ven xanh" có 9.600 lượt thích, 12.000 lượt theo dõi, các bài viết nhận được nhiều lượt tương tác; trên nền tảng Tiktok có nhiều clip review trải nghiệm của các bạn trẻ nổi tiếng nhận được nhiều sự quan tâm, nổi bật clip của tài khoản Yến Vi Vu với 41.300 tim, gần 3000 lượt bình luận, gần 6000 lượt chia sẻ,  từ đó tạo nguồn khách hàng thường xuyên, bền vững. Số lượng khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến thăm quan ngày càng tăng cao. Đến nay điểm du lịch cộng đồng Bản Ven xanh được du khách biết đến, tạo việc làm cho bà con dân tộc trong vùng, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Chị Lý Thị Hợi, Đại diện lãnh đạo Hợp tác xã Thân Trường cho biết: "Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội và hợp tác với các công ty lữ hành, xác định tệp khách hàng mục tiêu và bố trí các khu cảnh quang, dịch vụ trải nghiệm phù hợp với xu hướng nhưng vẫn mang tính đặc trưng vùng miền, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bản sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan, Dao, Tày, Nùng tại bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế".

Học hát Then, đánh đàn tính trên internet (nguồn Vietnam.net)

Trước đây mỗi khi muốn sưu tầm một bài hát, hay học hỏi một điệu múa truyền thống của dân tộc thì bà con mất nhiều thời gian đi sưu tầm, đến tận nơi học hỏi, tốn chi phí nhưng hiện nay chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối internet vào Youtube hay các hội nhóm, Fanpage yêu thích trên Facebook là có thể giao lưu, sưu tầm, học hỏi tại nhà. Câu lạc bộ hát Then thôn Khuân Cầu, xã Đại Sơn, huyện Sơn Động có gần 20 thành viên yêu thích hát Then, đàn tính. Ngoài một số bài hát Then cổ ông bà, người đi trước truyền dạy lại, tự sáng tác, các thành viên còn tìm hiểu và học múa, hát, đánh đàn theo hướng dẫn trên internet, tham gia các nhóm giao lưu trên mạng xã hội để trao đổi, sưu tầm thêm các bài hát Then mới, số lượng bài hát ngày càng tăng. Trong các buổi tập hát, các thành viên đều ghi âm bằng điện thoại để nghe, tự tập hát trong khi làm việc nhà. Bên cạnh đó, các thành viên tham khảo trên mạng và tự làm 06 chiếc đàn bầu  phục vụ sinh hoạt, biểu diễn...

Để đẩy mạnh Chuyển đổi số đến với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con tiếp cận với ứng dụng số, thời gian qua các cơ quan chức năng cùng phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ các cấp tham gia Chuyển đổi số; tăng cường phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; Ban Dân tộc duy trì việc đăng tải các thông tin, văn bản chính sách mới về công tác dân tộc trên Cổng thông tin điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo…Các cơ quan, đơn vị báo chí, phát thanh, truyền hình tăng chuyên mục, thời lượng tuyên truyền; thường xuyên đăng tải các tin, bài, nêu gương tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quá trình thực hiện.

Có thể thấy, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, làm thay đổi nhận thức của người dân. Tăng cường giao tiếp, quảng bá sản phẩm, phát triển kinh tế trao đổi thông tin đa chiều giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước, xóa bỏ rào cản về khoảng cách.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh