Thứ hai, 29 Tháng 04 Năm 2024

Xây dựng thành công nông thôn mới trên nền 135

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Là xã thuộc Chương trình 135 (đặc biệt khó khăn) ở địa phương của một trong 62 huyện nghèo của cả nước, nhưng đến thời điểm hiện nay, Đạ R’sal sắp về đích xây dựng nông thôn mới (NTM). Dự kiến đến cuối năm nay, 4 tiêu chí còn lại của chương trình NTM xã này sẽ được thực hiện xong và là địa phương đầu tiên của huyện Đam Rông được công nhận là xã NTM. Vậy “bí quyết nào” giúp xã Đạ R’sal thực hiện thành công NTM trên nền 135.

 
Ảnh: Một góc xã nông thôn mới Đạ R’sal

Đạ R’Sal là xã kinh tế mới được thành lập năm 2014, cách trung tâm huyện 25km về phía nam, giáp ranh với các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông. Toàn xã có 6 thôn, gồm 14 dân tộc khác nhau cùng sinh sống. Đồng bào DTTS có 535 hộ/1.787 hộ, chiếm tỷ lệ gần 30%; trong đó thôn 3, thôn 4 có trên 80% là đồng bào DTTS. Do là xã kinh tế mới và có tỷ lệ hộ đồng bào DTTS cao, nên những năm qua, Đạ R’sal được chọn là xã 135 - đặc biệt khó khăn. Vì vậy, khi năm 2010 được UBND tỉnh chọn là một trong những xã điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM của tỉnh, Đảng ủy - UBND xã đã ban hành nghị quyết quyết tâm xây dựng thành công NTM trên nền 135 bằng những cách làm sáng tạo, kiên quyết, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cũng như ở nhiều địa phương xây dựng NTM khác, Đảng ủy - UBND xã Đạ R’sal đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), đồng thời thành lập 6 tiểu ban phát triển tại 6 thôn, gồm: Ban QL chương trình xây dựng NTM; Ban Kiểm tra, giám sát; Ban Quy hoạch; Ban phát triển sản xuất; Ban Xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều đáng nói là tại các ban này, ngoài cán bộ thôn, còn có đại diện những người có uy tín trong cộng đồng do người dân giới thiệu. Với việc tham gia các ban xây dựng NTM, những người có uy tín trong các ban đại diện cho người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và quyền hạn của người dân trong kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng, hiệu quả của các chương trình, các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, an sinh xã hội... Điều đáng nói nữa là, căn cứ vào chỉ đạo của Đảng ủy - UBND xã, BCĐ NTM đã có sự phối hợp đầu tư giữa chương trình NTM với các Chương trình 30a “Giảm nghèo nhanh, bền vững”, Chương trình 135, trên cơ sở ưu tiên cho các thôn đồng bào DTTS có đặc thù khó khăn riêng. BCĐ NTM các thôn khi tiến hành đầu tư xây dựng hạng mục gì, mô hình gì đều tổ chức họp dân để tranh thủ ý kiến. Trên cơ sở lựa chọn của người dân, BCĐ NTM của các thôn, với sự giúp đỡ của cán bộ chức năng huyện, xã triển khai thực hiện, dưới sự kiểm tra, giám sát của người có uy tín, đại diện người dân trong các ban của thôn. Đồng thời, với sự chỉ đạo của Đảng ủy - UBND xã, BCĐ NTM xã có chủ trương đầu tư phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng cơ sở phải phù hợp với tình hình thực tế của từng thôn, trên cơ sở ưu tiên cho những thôn có khó khăn hơn. Chẳng hạn, đối với thôn 3, thôn 4, thì dồn sức đầu tư bằng vốn của Chương trình 30a, 135 cho các mô hình phát triển sản xuất, các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, an sinh xã hội. Tại các thôn này, các mô hình phát triển sản xuất chủ yếu tập trung cải tạo, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức chăn nuôi gia súc và chăn nuôi gà thả vườn. Ngược lại, đối với các thôn có điều kiện thuận lợi hơn về trình độ dân trí, kinh tế phát triển thì đầu tư phát triển các mô hình nuôi cá nước lạnh, sản xuất, chăn nuôi theo hướng trang trại và tập trung đầu tư các công trình phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần…

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, địa phương, Đảng ủy - UBND, BCĐ NTM của xã cũng chủ trương huy động nội lực trong nhân dân phù hợp với đặc điểm tình hình của từng thôn. Đối với thôn 3, thôn 4, không có khả năng đóng góp kinh phí thì tiến hành huy động sức người, đất đai, cây trồng để có quỹ đất xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi. Đối với các thôn còn lại, có điều kiện kinh tế thì ngoài việc huy động sức người, sức của, còn huy động thêm kinh phí để tạo vốn đối ứng trong xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, kết cấu hạ tầng cơ sở. Để làm được việc này, Đảng ủy - UBND, BCĐ NTM xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các ban thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân nhận thức được rằng: Hưởng lợi trực tiếp của chương trình xây dựng NTM là người dân, do đó thực hiện phương châm “nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ”. Từ đó, đã tạo được sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ trong huy động sức dân xây dựng NTM tại xã. Qua gần 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhưng người dân xã Đạ R’sal đã đóng góp gần 1 tỷ đồng và hàng ngàn m2 đất, giải tỏa hàng chục ngàn cây trồng để xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trong đóng góp sức người, sức của để XD NTM được Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Giấy khen, Bằng khen.

Kết quả, hiện nay, xã Đạ R’sal đã hoàn thành 15/19 tiêu chí quốc gia về NTM, trong đó có tiêu chí đặc biệt quan trọng là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7% theo quy định. 4 tiêu chí còn lại gồm: Quy hoạch; Thủy lợi (do công trình hồ chứa nước Đạ Chao được các đơn vị thi công chậm); Trường học; Môi trường chưa đạt. Tuy nhiên, theo ông Phùng Văn Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ R’sal, thì kết thúc năm 2015, các tiêu chí này sẽ hoàn thành, bởi hiện nay đã hoàn thành trên 70%. Và như vậy, kết thúc năm 2015, xã Đạ R’sal sẽ xây dựng thành công NTM trên nền 135 và ra khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn. Đây sẽ là kinh nghiệm quý để các địa phương khác, dù thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng nếu có quyết tâm cao và có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương vẫn xây dựng thành công NTM.

(Nguồn: baolamdong.vn)

Thư viện ảnh Thư viện ảnh