Thứ hai, 29 Tháng 04 Năm 2024

Công tác giảm nghèo vùng DTTS và Miền núi

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Vùng dân tộc thiểu số chiếm đến 72,8% diện tích toàn tỉnh, là địa bàn cư trú chủ yếu của 20 thành phần dân tộc thiểu số với hơn 20 vạn người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch.

          Vùng dân tộc thiểu số chiếm đến 72,8% diện tích toàn tỉnh, là địa bàn cư trú chủ yếu của 20 thành phần dân tộc thiểu số với hơn 20 vạn người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch. Nhưng đây cùng là vùng khó khăn nhất về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn tỉnh. Bằng các giải pháp thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan làm công tác dân tộc các cấp và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc, đã đạt được được một số kết quả, từng bước giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.

          Tỉnh xác định 3 khâu đột phá trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đó là: xác định những điểm khó khăn nhất, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựngcơ sở hạ tầng cho các xã nghèo; thực hiện hỗ trợ đời sống và sản xuất cho các hộ tái định cư và cộng đồng dân cư một số xã tiếp nhận đồng bào tái định cư thuộc dự án di dân tại Trường bắn Quốc gia khu vực I, một công việc phức tạp, khó khăn sau 32 năm đã di rời hết 2.496 hộ với 12.774 khẩu có cuộc sống ổn định; Nâng cao trình độ thâm canh, chăn nuôi cho đồng bào, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ đối với  người nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

          Tập trung cao cho công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu (đã dồn điền đổi thửa được 4.824ha), chuyển đổi 300 ha diện tích đất trồng lúa không ăn chắc sang trồng cây ăn quả. Xem xét điều chỉnh 6128 ha đất của các nông lâm trường giao cho nhân dân để người dân sống với rừng, có thể sống được bằng nghề rừng. Phát triển mạnh mô hình trồng rừng kinh tế, giữ rừng nguyên sinh, hình thành các khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, Thác Ba Tia và du lịch tâm linh Tây Yên Tử huyện Sơn Động, Suối Mỡ huyện Lục Nam. Chú trọng công tác tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, chủ động tìm kiếm và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản. Vận động các hộ có kinh nghiệm, kỹ thuật trong thâm canh cây vải thiều giúp đỡ, hỗ trợ nông dân 13 xã nghèo huyện Lục Ngạn kỹ thuật sản xuất vải thiều an toàn theo quy trình VIET GAP và Global GAP. Năm 2014, sản lượng Vải thiều tại Bắc Giang đạt 190.000 tấn, thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó huyện Lục Ngạn đạt 130.000 tấn, giá trị trên 1.600 tỷ đồng (13 xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sản lượng đạt 50.000 tấn).

           Xác định thế mạnh của địa phương là nông nghiệp, tỉnh quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện của địa phương trong vùng dân tộc; duy trì, phát triển một số thương hiệu nông sản hàng hóa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, có quy mô, sản lượng hàng hóa lớn, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước như: Gà đồi Yên Thế với tổng đàn gia cầm luôn ổn định từ 4 đến 4,5 triệu con; các mô hình Vải thiều, Cam Canh, Cam Vinh, Táo lai...Lục Ngạn, riêng năm 2014 có 4.486 hộ có thu nhập từ 100 đến trên 500 triệu đồng/năm từ vải thiều, trong đó có 83 hộ có mức thu từ 300 đến 500 triệu đồng/năm; Na dai, hạt dẻ huyện Lục Nam; trồng rừng kinh tế huyện Sơn Động đã giải quyết việc làm tại chỗ cho dân sở tại.Thực tế trong những năm qua cho thấy các mô hình kinh tế trên địa bàn vùng dân tộc đã góp phần tích cực vào thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác: mô hình trồng Cam Canh của ông Bùi Xuân Sinh tại thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, Nguyễn Văn Chính xã Quý Sơn thu 50 tấn quả/năm, doanh thu 2 tỷ/năm, trừ chi phí còn lãi 1,6 tỷ/năm; mô hình trồng Vải Thiều của ông Trần Văn Hành, xã Giáp Sơn thu trên 600 triệu đồng/năm;  mô hình gà của ông Lăng Văn Liệu xã Tiến Thắng, nuôi một năm 3 lứa, mỗi lứa từ 3.000 đến 8.000 con, thu 300 triệu đồng/năm... không chỉ phát huy nội lực, khơi dạy tiềm năng đất đai, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không cam chịu đói nghèo, huy động vốn trong đầu tư phát triển kinh tế trong khu vực nông thôn, còn tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Bắc Giang có 18 xã hoàn thành, 02 xã vùng dân tộc thiểu số xắp hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

         Tỉnh đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vào vùng dân tộc và miền núi, như: Nhà máy nhiệt điện Sơn Động, Công ty TNHH MTV 45- Tổng công ty Đông Bắc, Nhà máy chế biến Quặng Đồng, Công ty May Sơn Động, Nhà máy May Lục Ngạn- Lục Nam- Yên Thế- Lạng Giang- Tân Yên thu hút gần 10.000 lao động vùng dân tộc miền núi, thu nhập bình quân đạt trên 4,7 triệu/người/tháng. Một số doanh nghiệp bình quân thu nhập công nhân 9 triệu đồng/tháng.

          Quan tâm chính sách giáo dục và đào tạo, mở rộng quy mô hệ thống các trường dân tộc nội trú, các trường bán trú dành cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho học sinh bán trú. Thành lập các trường dạy nghề trong vùng dân tộc, phân luồng, hướng nghiệp học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và các cấp học khác để tạo nguồn cán bộ gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương. Rất nhiều học sinh tại các trường đã đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa ở các trường đại học, là giảng viên ở các trường đại học và cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Coi trọng, giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nhiều lễ hội văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được khôi phục, bên cạnh đó bài trừ các hủ tục lạc hậu.

          Từ những giải pháp thiết thực đó đã chứng minh được vai trò lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, được thể hiện rõlà đời sống đồng bào vùng dân tộc miền núi ngày càng được cải thiện, số hộ giầu tăng ngày càng nhiều, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc giảm bình quân từ 3-4%/năm (từ 40,8% năm 2011 xuống còn 26,6% năm 2014), không còn hộ đói, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh. Nhân dân các dân tộc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sát cánh cùng  cấp ủy chính quyền xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

          Để công tác giảm nghèo trong vùng dân tộc thiểu số được tiếp tục thực hiện có hiệu quả, giảm nghèo một cách bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa vùng dân tộc với các vùng khác trong tỉnh, giữa các dân tộc trên địa bàn. Vấn đề đặt ra hiện nay đối với 369 thôn bản đặc biệt khó khăn đã được Ủy Ban Dân tộc công nhận, trong đó có còn 36 thôn, bản có tỷ lệ nghèo cao, bình quân là 61,15%, cao hơn 6,9 lần so với bình quân chung của tỉnh, cao gấp 2,3 lần so với vùng dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân của các thôn, bản này là 20,58 %, cao gấp 2,8 lần bình quân chung của tỉnh. Nhiều thôn, bản có tỷ lệ nghèo trên 80%, có thôn 94 %. Do vậy, để thu hẹp khoảng cách giữa các thôn bản trong tỉnh, ngoài sự đầu tư từ Trung ương theo chương trình 135 và các dự án, chính sách khác, cần tập trung nguồn lực đầu tư hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện...và hỗ trợ phát triển sản xuất giúp các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện điều kiện canh tác, phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giầu ngay chính trên quê hương đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành./.

                                                                                         

                                                           Nguyễn Hồng Luân -Tỉnh ủy viên

                                                                                Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Thư viện ảnh Thư viện ảnh