Thứ hai, 13 Tháng 05 Năm 2024

Đưa hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc vào trường học

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, hiện nay các trường học trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương vào giờ học ngoại khóa giúp các em học sinh nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các thành viên dân tộc Sán Chay trong Câu lạc bộ

Năm học 2022-2023 Trường THPT Sơn Động số 1 có 995 học sinh, trong đó có 648 học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm 65,1%, qua khảo sát, một số các em người dân tộc thiểu số không biết nói tiếng dân tộc, không biết truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Để giúp các em có điều kiện được giao lưu, học hỏi, hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc, "Câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc trường THPT Sơn Động số 1" đã được thành lập với 32 thành viên (16 học sinh dân tộc Sán Chí). Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh.

Vừa qua Câu lạc bộ đã tổ chức hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu về điệu múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ của đồng bào dân tộc Sán Chí tại xã Lệ Viễn. Các em được tham quan Đình Lạnh, thôn Lạnh, xã Lệ Viễn, đây là nơi thờ tướng quân Vi Đức Thăng người đã có công giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh đem lại bình yên cho quê hương, đất nước. Đây cũng là nơi tổ chức diễn xướng điệu múa Tắc Xình – hát Sấng Cọ của đồng bào dân tộc Sán Chí hàng năm vào dịp 10/3.

Bác Trương Công Nhần – Chi hội trưởng Đội văn nghệ Sấng Cọ, xã Lễ Viễn giới thiệu về làn điệu Sấng Cọ

Tiếp đến các em được nghe bác Trương Công Nhần – Chi hội trưởng Đội văn nghệ Sấng Cọ, xã Lễ Viễn trò chuyện, giới thiệu về làn điệu Sấng Cọ. Hát Sấng Cọ là điệu hát truyền tải tâm tư, tình cảm, cùng ước mong của đồng bào dân tộc Sán Chay về một đời sống ấm no, hạnh phúc. Hát Sấng Cọ thường được hát trong các ngày hội, trong lao động sản xuất và hát giao duyên. Hiện nay hát Sấng Cọ là một di sản văn hóa tinh thần quý báu thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của tộc người Sán Chí. Được nghe các bà trong Đội văn nghệ hát một số bài hát truyền thống và tìm hiểu nét đẹp trang phục dân tộc.

Được nghe các làn điệu hát Sấng cọ

Cô giáo Nguyễn Thị Thao, giáo viên phụ trách Câu lạc bộ cho biết: "Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được nhà trường quan tâm, triển khai. Lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa giúp các em học sinh thích thú, hào hứng tham gia. Thời gian tới Câu lạc bộ sẽ triển khai nhiều hoạt động khác giúp các em học sinh có thêm hiểu biết về văn hóa dân tộc mình".

Tham gia các buổi ngoại khóa, các em học sinh có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, bản sắc của dân tộc mình cũng như nét văn hóa đặc sắc khác của các dân tộc khác trên địa bàn, từ đó có ý thức giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống. Đây cũng là một trong các nội dung bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

HCTH

Thư viện ảnh Thư viện ảnh