Chủ nhật, 16 Tháng 06 Năm 2024

Khái quát đời sống KTXH

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Dân tộc và ngôn ngữ dân tộc là hai mặt gắn liền với nhau của các tiến trình tộc người. Trong tiến trình đó, ngôn ngữ vừa là cái đặc trưng của dân tộc, vừa là cái phản ánh, bảo tồn, truyền tải các giá trị của nền văn hoá dân tộc, là phương tiện hợp nhất, đoàn kết dân tộc, củng cố và phát triển xã hội tộc người.

         Dân tộc và ngôn ngữ dân tộc là hai mặt gắn liền với nhau của các tiến trình tộc người. Trong tiến trình đó, ngôn ngữ vừa là cái đặc trưng của dân tộc, vừa là cái phản ánh, bảo tồn, truyền tải các giá trị của nền văn hoá dân tộc, là phương tiện hợp nhất, đoàn kết dân tộc, củng cố và phát triển xã hội tộc người.

         Tỉnh Bắc Giang là địa bàn cư trú của 26 tộc người: Việt, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí, Dao, Sán Dìu, Hoa và các dân tộc khác. Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú tập trung ở các xã, thị trấn thuộc 6 huyện miền núi: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên.

 

a- Nhóm văn hoá ngôn ngữ Nam Á:

               Dân tộc Kinh

         Là cư dân có nguồn gốc bản địa lâu đời. Trong suốt tiến trình phát triển, người Kinh ở Bắc Giang luôn là trung tâm thu hút và đoàn kết các dân tộc anh em xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về mặt kinh tế, lấy nền nông nghiệp trồng lúa nước làm chủ đạo, khai thác thành công vùng đồng bằng phì nhiêu; cùng với nền nông nghiệp lúa nước, người Kinh đã sáng tạo ra rất nhiều nghề thủ công truyền thống, tạo ra vô vàn những hàng hoá cần cho cuộc sống từ chế biến cái ăn đến cái mặc, đến nhà ở và các phương tiện sống. Nền kinh tế của người Kinh vẫn là kinh tế nông nghiệp kết hợp với nghề thủ công truyền thống. Về tổ chức xã hội, người Kinh ở Bắc Giang đã định cư và tạo nên cuộc sống lấy làng (mà người xưa gọi là kẻ) làm nơi định cư. Trong làng thường có nhiều xóm, có xóm lớn tương đương với một thôn. Mỗi làng có đình là nơi hội họp và thờ cúng chung. Người Kinh thường ở nhà trệt. Ngôi nhà chính thường có kết cấu 3 gian hoặc 5 gian và gian giữa là gian trang trọng nhất, đặt bàn thờ gia tiên. Về văn hoá, dân tộc Kinh là một trong những dân tộc ở trong khu vực luôn đạt đến trình độ văn hoá văn minh rực rỡ của mọi thời đại, từ văn minh Việt cổ, văn minh Đại Việt sau thế kỷ X cho đến ngày nay đều chứng tỏ điều đó. Trong văn hoá - văn minh, từ văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần và văn hoá ứng xử, người Kinh ở Bắc Giang đã sáng tạo ra những nét đặc sắc cho mình, tiếp thu có chọn lọc các ưu điểm của các nền văn minh khác để làm phong phú cho dân tộc. Những biểu hiện văn hoá Việt thật phong phú, đa dạng, chỉ đơn cử văn hoá tín ngưỡng: từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những anh hùng dân tộc có công với làng nước và trên những cơ sở đó tiếp thu những tín ngưỡng Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Công giáo... Tất cả đều được cải biên để phù hợp, thích ứng với đời sống vật chất và tinh thần của người Kinh là một nét đặc sắc của văn hoá tín ngưỡng Kinh. Trong tín ngưỡng văn hoá đó, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng quan trọng nhất của người Kinh. Bàn thờ được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà: được cúng lễ vào các ngày giỗ, tết và các dịp tuần tiết, v.v... Trong văn hoá, những sáng tạo văn học - nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại cũng là những nét bản sắc rất điển hình của người Kinh. Văn học nghệ thuật dân gian với nhiều thể loại phong phú: truyện cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ... phản ánh toàn bộ mọi mặt của cuộc sống dân tộc. Văn học dân gian góp phần to lớn vào việc giữ gìn bản lĩnh, bản sắc dân tộc.

 

b- Nhóm ngôn ngữ H'mông - Dao:  Dao

          Dân tộc Dao

          Người Dao là một trong số các thành phần dân tộc chủ yếu sinh sống tại Bắc Giang, họ thường sống ở vùng lưng chừng núi hầu hết các tỉnh miền núi tỉnh Bắc Giang. Thôn xóm phần nhiều phân tán, rải rác, năm bảy nóc nhà. Nhà của người Dao rất khác nhau, tuỳ nơi họ ở nhà trệt, nhà sàn hay nhà nửa sàn, nửa đất. Về hoạt động sản xuất, hình thức canh tác phổ biến là làm nương, thổ canh hốc đá, ruộng. Tuỳ từng nhóm, từng vùng mà hình thức canh tác này hay khác nổi trội lên như: Người Dao Quần trắng, Dao áo dài, Dao Thanh y chuyên làm ruộng nước; người Dao Đỏ thổ canh hốc đá. Phần lớn các nhóm Dao khác làm nương du canh hay định canh. Họ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; ở vùng núi, vùng cao còn nuôi dê, ngựa. Nghề trồng bông, dệt vải phổ biến ở các nhóm Dao. Họ ưa dùng vải nhuộm chàm. Hầu hết các xóm đều có lò rèn để sửa chữa nông cụ, nhiều nơi còn làm súng hoả mai, súng kíp, đúc những hạt đạn bằng gang. Nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức.

        Trước đây, đàn ông để tóc dài, búi sau gáy hoặc để chỏm tóc dài trên đỉnh đầu, xung quanh cạo nhẵn. Các nhóm Dao thường có cách đội khăn khác nhau. áo có hai loại, áo dài và áo ngắn. Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài, yếm, váy hoặc quần. Y phục thêu rất sặc sỡ. Theo phong tục người Dao, khi nhà có người ở cữ người ta treo cành lá xanh hay cài hoa chuối trước cửa để làm dấu không cho người lạ vào nhà vì sợ vía độc ảnh hưởng tới sức khoẻ đứa trẻ. Trong cưới xin có tục chăng dây, hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái trước khi vào nhà, hát trong đám cưới. Lúc đón dâu, cô dâu được cõng ra khỏi nhà gái và phải bước qua cái kéo mà thầy cúng đã làm phép mới được vào nhà trai. Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thuỷ, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Bàn vương được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình. Người Dao có vốn văn nghệ dân gian phong phú, nhiều truyện cổ, bài hát, thơ ca. Đặc biệt truyện "Quả bầu với nạn hồng thuỷ", "Sự tích Bàn vương" rất phổ biến trong người Dao.

 

c- Nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng: Hoa- Sán Dìu

          Dân tộc Sán Dìu

        Dân tộc Sán Dìu sinh sống tập trung. Làng xóm của họ tựa như làng người Kinh, có luỹ tre bao bọc và giữa các nhà thường có tường hay hàng rào. Kinh tế nông nghiệp làm ruộng nước và đất bãi, soi, nương; khai thác lâm sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm; đánh bắt và nuôi thả cá; thủ công nghiệp có làm gạch ngói, rèn, đan lát...

        Bộ y phục truyền thống của phụ nữ gồm khăn đen, áo dài (đơn hoặc kép), nếu là áo kép thì bao giờ chiếc bên trong cũng màu trắng còn chiếc bên ngoài màu chàm, dài hơn một chút; yếm màu đỏ; thắt lưng màu trắng, hồng, hay xanh lơ; váy là hai mảnh rời cùng chung một cạp; xà cạp màu trắng. Nam giới ăn mặc như người Kinh, búi tóc vấn khăn hoặc đội khăn xếp, áo dài thâm, quần trắng. Trong hôn nhân, nam nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu, tuy nhiên quyết định là do bố mẹ và khi lấy nhau phải xem tuổi có hợp thì mới được. Giống như nhiều dân tộc khác, người Sán Dìu có hát giao duyên nam nữ mà họ gọi là soọng cô, thường được hát về đêm, có những cuộc hát kéo dài suốt nhiều đêm.

           Dân tộc Hoa

          Tại mỗi địa phương người Hoa sống tập trung; ở nông thôn thì thành làng và hương, mà phổ biến là Minh Hương (làng người Minh); ở thành phố sống thành các bang rất gắn bó với nhau; nhà ở phổ biến là nhà kiểu chữ môn, 3 gian hai chái; duy trì gia đình phụ hệ truyền thống đại gia đình với 4-5 đời. Trang phục truyền thống của người Hoa hiện chỉ còn thấy ở một số người có tuổi hay trong các nghi lễ cưới xin, tang ma. Trong xã hội người Hoa, mối quan hệ với những người cùng họ được hết sức coi trọng; mỗi dòng họ có một từ đường để thờ cúng. Những hoạt động kinh doanh, sản xuất thường có các hội nghề nghiệp tương ứng, những hội này đều có một vị tổ và ngày giỗ tổ trong năm. Một số tập tục vẫn được bảo lưu như trong hôn nhân cha mẹ định đoạt với tiêu chuẩn "môn đăng, hộ đối". Ma chay phải tuân thủ nghiêm ngặt từ báo tang cho đến lễ đoạn tang. Nổi bật trong tín ngưỡng dân gian là thờ cúng tổ tiên, gia tộc, dòng họ, thờ cúng các vị thần phù hộ (thần Bếp, Thổ Địa, thần Tài...) và một số vị thánh, bồ tát; theo đạo Nho, Phật, Lão với hệ thống chùa, miếu khá phát triển. Sinh hoạt văn hoá, văn nghệ phong phú, có hát" sơn ca" với nhiều chủ đề khác nhau; ca kịch với nhiều loại nhạc cụ; ngày lễ tết múa sư tử, múa Lân, quyền thuật và nhiều trò chơi truyền thống.

 

d- Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái: Tày- Nùng- Sán Chí

            Dân tộc Nùng

         Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa và ngô, có nương và ruộng nước, trồng nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả như quýt, hồng, hồi là cây cho thu nhập cao. Họ biết làm nhiều nghề thủ công: dệt, rèn, đúc, đan lát, làm đồ gốm, làm giấy dó... Nhiều nghề có truyền thống lâu đời nhưng vẫn là nghề phụ gia đình, thường chỉ làm vào lúc nông nhàn và sản phẩm làm ra phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Hiện nay, một số nghề có xu hướng mai một dần (dệt), một số nghề khác được duy trì, phát triển (rèn).

        Y phục truyền thống của người Nùng khá đơn giản, thường làm bằng vải thô tự dệt, nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa, trang trí. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải. Phụ nữ mặc áo năm thân, cài cúc bên nách phải, thường chỉ dài quá hông. Phần lớn người Nùng ở nhà sàn, một số ở nhà đất làm theo kiểu trình tường, hoặc xây bằng gạch mộc. Nam nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu và khi yêu nhau họ thường trao tặng nhau một số kỷ vật, các chàng trai tặng các cô gái đòn gánh, giỏ đựng con bông và giỏ đựng con sợi; còn các cô gái tặng các chàng trai áo và túi thêu. Tuy nhiên, hôn nhân hoàn toàn do bố mẹ quyết định. Việc cưới xin diễn ra nhiều nghi lễ, quan trọng nhất là lễ đưa dâu về nhà chồng. Sau ngày cưới cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ cho đến khi sắp có con mới về ở hẳn nhà chồng. Về tín ngưỡng, người Nùng thờ cúng tổ tiên là chính, ngoài ra còn thờ Phật và các loại ma. Sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian phong phú, nhiều làn điệu dân ca, trong đó hát Sli - giao duyên của nam nữ và hát then là nổi tiếng nhất. Lễ hội hàng năm to nhất là lễ hội "lùng tùng" (hội xuống đồng), tổ chức vào tháng giêng và hội múa sư tử.

         Dân tộc Sán Chí

        Dân tộc Sán Chí chủ yếu làm nông nghiệp, làm ruộng nước thành thạo nhưng nương rẫy vẫn có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế. Họ sống trong nhà sàn giống nhà của người Tày. Hiện nay, đại đa số sống trong nhà trệt được mường tượng như con "trâu thần", 4 cột chính là 4 chân, rui mè là xương sườn, nóc nhà là sống lưng; nơi linh thiêng nhất đặt bàn thờ hương hoả tại một căn buồng nhỏ ở một trong hai góc thuộc phần ngoài nhà. Phụ nữ có áo dài truyền thống giống phụ nữ Dao, song khác ở chỗ cắt may và hoạ tiết trang trí ở nẹp cổ và sau vai áo, loại áo này gọi là Pù dàn dính (nghĩa là áo bươm bướm, một loại bướm có vòi thường bay cặp đôi), kèm theo áo dài khi mặc có dắt vào thắt lưng ngang bụng một con dao nhỏ có vỏ bao bằng gỗ trạm trổ tinh vi. Ngày nay, trang phục có thay đổi, đặc biệt là trong các lễ hội các cô gái thắt 2-3 chiếc thắt lưng bằng lụa, nhiều màu. Khi tổ chức lễ cưới, trên đường về nhà chồng cô dâu phải đi chân đất; sau khi cưới, cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ cho đến lúc sắp đẻ mới về ở nhà chồng. Ông mối được cô dâu, chú rể quý trọng, coi như bố mẹ và khi ông mối chết phải để tang. Sau khi sinh đẻ, trong vòng 42 ngày cấm người lạ không được vào nhà; nếu ai lỡ vào mà sau đó trẻ sơ sinh bị ốm thì phải đem lễ vật đến làm lễ cúng vía. Trong nhà người Sán Chí có rất nhiều bàn thờ. Ngoài thờ cúng tổ tiên, họ còn thờ Trời Đất, Thổ Công, Bà Mụ, Thần Nông, Thần Chăn nuôi... Phổ biến nhất là thờ Ngọc Hoàng, Phật Nam Hoa, Táo Quân. Người Sán Chí yêu thích ca hát, phổ biến hơn cả là sình ca, lối hát giao duyên nam nữ gồm hai loại: hát ở bản về đêm và hát trên đường đi hoặc ở chợ.

        Dân tộc Tày

        Người Tày thích sống thành bản làng đông đúc, nhiều bản có tới hàng trăm nóc nhà. Người Tày là cư dân nông nghiệp có truyền thống làm ruộng nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và biết áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai, làm cọn lấy nước tưới ruộng. Ngoài lúa nước, người Tày còn trồng lúa nương, hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp. Chăn nuôi phát triển với nhiều loại gia súc, gia cầm nhưng cách thả rông cho đến nay vẫn còn khá phổ biến. Các nghề thủ công gia đình được chú ý; nổi tiếng nhất là nghề dệt thổ cẩm với nhiều loại hoa văn đẹp và độc đáo.

        Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không có thêu thùa trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài. Tục lệ cưới xin, ma chay thường tổ chức linh đình, khá tốn kém. Người Tày chủ yếu thờ cúng tổ tiên, ngoài ra còn thờ Thổ Công, Vua bếp, Bà Mụ. Chữ Nôm Tày xây dựng trên mẫu tượng hình, gần giống chữ nôm Việt ra đời khoảng thế kỷ XV được dùng để ghi chép truyện thơ, bài hát, bài cúng... Người Tày có nhiều làn điệu dân ca như lượn, phong slư, phuối pác, phuối rọi, vén eng... Lượn gồm lượn cọi, lượn slương, lượn then, lượn nàng ới... là lối hát giao duyên được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng. Người ta thường lượn trong hội lồng tồng, trong đám cưới, mừng nhà mới hay khi có khách đến bản.

 

                                                        (Trích dẫn nguồn từ Trang tin điện tử của Uỷ Ban dân tộc)

Thư viện ảnh Thư viện ảnh