Chủ nhật, 19 Tháng 05 Năm 2024

Lễ đặt tên con của Người Tày

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đồng bào Tày có rất nhiều nghi lễ độc đáo đối với một đời người như lễ đặt tên, lễ cấp sắc, lễ ăn hỏi, lễ cưới… Trong đó, nghi lễ đặt tên cho con mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó chứng tỏ sự tồn tại của thành viên mới trong gia đình, là dấu mốc đầu tiên trong cuộc đời của một con người.

Theo tục lệ của người Tày, khi vợ sinh xong chồng chuẩn bị một lễ nhỏ sang báo với ông bà ngoại. Lễ mang sang nhà vợ chỉ có một con gà, nếu trẻ là trai thì mang gà trống, trẻ là gái thì mang gà mái, nhìn vào con gà mà chàng rể mang sang ông bà ngoại sẽ hiểu ngay là mình có cháu gái hay cháu trai.

Ảnh minh họa

Ba ngày sau sinh, gia đình làm lễ cúng báo tổ tiên rằng nhà mình có thêm thành viên mới. Bên ngoại cũng sang thăm chúc mừng. Trong ngày này gia đình thường mời thầy về lập bàn thờ mụ cho trẻ để bà mụ che chở cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn. Tuy nhiên đứa trẻ khi này chưa được đặt tên mà thường được gọi với cái tên xấu xí để tránh cho ma quỷ quấy nhiễu khiến đứa trẻ hay quấy khóc và đau yếu nhiều. Khi trẻ đầy tháng mới tiến hành lễ đặt tên cho đứa trẻ.

Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi đứa trẻ được tròn 1 tháng gia đình sẽ tổ chức lễ ăn mừng. Lễ này của người Tày được tổ chức rất to để chúc mừng gia đình có thêm một thành viên. Các lễ vật trong lễ đầy tháng là các sản phẩm nông nghiệp của gia đình. Các lễ vật này dâng lên để tạ ơn thần linh, ông bà tổ tiên đã che chở và phù hộ cho đứa bé sinh ra được khỏe mạnh.

Mâm cúng chính có xôi ngũ sắc gồm năm màu: xanh, đỏ, tím, vàng, đen tượng trưng cho âm dương, cho trời đất, cho ngũ hành, nó cũng là sản phẩm của nông nghiệp. Đặt bên trên mâm xôi là con gà thiến béo tốt. Gà là con vật không thể thiếu trong cúng tế bởi nó là con vật mang phước lành đến cho con người, nó còn thể hiện tính cần cù, lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Con gà béo tốt cũng là thể hiện cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vì vậy mà trong lễ đầy tháng này người Tày thường dùng gà để cúng với ước mong đứa trẻ sau này cũng mang được những đức tính như vậy. Trong mâm chính còn có rượu trắng, nén hương. Thông qua nén hương, con người có thể liên hệ được với thần thánh, với ông bà tổ tiên do đó con người phải tỏ được lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên và cầu mong ông bà, tổ tiên mang lại sức khỏe và điều tốt làng đến với mọi người trong gia đình, cuộc sống ấm no. Bên cạnh đó còn có bánh trưng, bánh dày được làm từ gạo nếp; hai loại bánh này không thể thiếu trong các nghi lễ gia đình. Tất cả lễ vật, bánh trái, hoa quả đều là sản phẩm của người Tày.

Ngoài mâm cúng chính còn có các mâm của gia đình hai bên nội ngoại mang đến cúng tế mừng cho đứa trẻ chính thức được công nhận là một thành viên trong gia đình.

Sau khi sắp xếp các đồ cúng tế xong, thường thì trước khi tiến hành làm lễ để trình lên tổ tiên thì thầy cúng sẽ xem giờ tốt để tiến hành lễ, đúng vào giờ mà thầy cúng đã xem thì bắt đầu tiến hành làm lễ. Đối với lễ đầy tháng của dân tộc Tày thì thầy cúng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Thầy cúng có nhiệm vụ trình lên tổ tiên, báo cho tổ tiên biết hôm nay là ngày đầy tháng của con cháu trong gia đình và mời ông bà tổ tiên đến dự và công nhận gia đình đã có thêm một thành viên mới. Ngoài ra cũng trong lễ đầy tháng này thầy cúng cũng làm nhiệm vụ đeo dây bùa (teo khoăn) cho mọi người trong gia đình để cầu mong sức khỏe.

Một tục lệ không thể thiếu trong lễ đầy tháng của dân tộc Tày đó là tục đặt tên cho trẻ. Nét chung của phong tục người Tày là khi đặt tên cho con, cha mẹ tránh đặt tên trùng với tên những vị thần hay ông bà, tổ tiên, chú bác, anh em họ hàng nội ngoại gần gũi ít nhất là ba đời. Việc đặt tên con của người Tày cũng có những điều kiêng kỵ, nếu trong bản, xã có người bị mất trong những trường hợp rủi ro, như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã núi… mọi người tránh không đặt tên con trùng với những cái tên người đã chết bất đắc kỳ tử đó. Khi đặt tên ông ngoại là người vinh dự được đặt tên cho đứa trẻ. Nếu ông ngoại không còn thì ông nội đặt tên cho cháu. Trong ngày này tất cả những người có vai vế của bên nội, bên ngoại và ông bà mối sẽ sang mừng cho gia đình có thành viên mới và mừng cho cháu bé hay ăn, khỏe mạnh. Khi đến thường mang cho trẻ tấm áo, cái khăn, đấu gạo nếp hay con gà với mong muốn trẻ được mặc ấm và mẹ của đứa trẻ sẽ được ăn uống bồi bổ hơn.

Ngày nay, nghi lễ đặt tên cho em bé theo truyền thống không còn bắt buộc nữa, gia đình thường chọn những tên mỹ miều, ý nghĩa, miễn là không phiền toái về việc trùng tên trong dòng họ.

Lễ đầy tháng và việc đặt tên cho con của người Tày có giá trị nhân văn, thiêng liêng, mang tính giáo dục rất riêng của dân tộc, thể hiện sự đùm bọc cũng như cộng đồng trách nhiệm của hai bên gia đình, họ hàng trong việc chăm sóc người mẹ và trẻ nhỏ. Đó cũng là dịp để hai bên nội, ngoại gặp gỡ, tăng thêm tình thân thiết giữa hai gia đình thông gia. Nghi lễ đặt tên cho con của người Tày là một mỹ tục, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của người Tày./.

Hoàng Cúc

Thư viện ảnh Thư viện ảnh