Thứ bảy, 27 Tháng 04 Năm 2024

Ông Chu Văn Chịch – Tấm gương làm giàu tại quê hương

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sinh ra và lớn lên tại thôn Khuôn Trang, xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, Ông Chu Văn Chịch sinh năm 1963 được nhiều người trong vùng biết đến vì là một trong những điển hình tiên tiến, đi đầu trong phát triển sản xuất, chăn nuôi và hiến đất để làm đường nông thôn, tạo thuận lợi giúp giao thông thuận tiện, phát triển kinh tế.

Ông Chu Văn Chịch nhận Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc

Thôn Khuôn Trang được sát nhập từ thôn Khuôn Nghiều và thôn Đèo Trang, hiện là thôn đặc biệt khó khăn của xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn. Toàn thôn hiện có 203 hộ dân, với 930 nhân khẩu, trên 90% hộ dân tộc thiểu số. Người dân chủ yếu lao động sản xuất nông nghiệp, năng suất phụ thuộc vào thiên nhiên, hệ thống thủy lợi, nước tưới gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền đại phương, 100% hộ gia đình trong thôn được truyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc nên đã tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện tốt.

Ông Chu Văn Chịch là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, đặc biệt khó khăn, không được học hành, nhưng với đức tính cần cù, siêng năng, ham học hỏi và được động viên, hỗ trợ của cộng đồng, anh em họ hàng, ông và gia đình đã cố gắng, quyết tâm vươn lên làm giầu chính đáng ngay tại quê hương. Gia đình ông đã phấn đấu xây được nhà cấp 3 kiên cố đầu tiên trong thôn, tạo được sức lan tỏa cao, giúp các hộ gia đình trong thôn, xã học tập và làm theo.

Năm 1991, gia đình ông khởi nghiệp từ 30 cành vải giống được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  huyện Lục Ngạn hỗ trợ theo dự án. Ông và gia đình đã tích cực lao động sản xuất, nhân rộng vườn vải lên 150 cây (năm 1994), đến năm 2003 đạt trên 700 cây vải, với sản lượng hàng năm từ 12-15 tấn, cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với quy hoạch và nhu cầu của thị trường. Năm 2010, gia đình ông đã chuyển đổi một số diện tích trồng vải và diện tích ruộng cao, không ăn chắc sang trồng cây táo xuân, táo Đài Loan. Đến nay, với số lượng khoảng trên 50 cây, thu về sản lượng 8 - 10 tấn/năm, đem lại giá trị 80 - 100 triệu đồng/năm. Năm 2019, mạnh dạn chuyển đổi trồng thêm cây dưa chuột, mỗi năm cho sản lượng khoảng 2 tấn, thu về giá trị từ 14-16 triệu đồng/năm.

Gia đình ông hiện có 1,5 ha diện tích đất lâm nghiệp, sau khi được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng rừng kinh tế do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức và hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp. Ông chuyển sang trồng cây keo, nhờ có kiến thức đã được học và thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đến nay đã khai thác được 02 chu kỳ, với tổng thu nhập mỗi kỳ khai thác gần 100 triệu đồng.

Để bảo tồn được sản phẩm gà trống thiến nổi tiếng từ lâu ở địa phương và đáp ứng nhu cầu nhân dân những ngày Tết. Từ năm 2020 gia đình ông chăn thả trên 100 con gà trống thiến, cung cấp ra thị trường gần 400kg gà thương phẩm mỗi năm.

Từ hiệu quả các mô hình trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, đã có nhiều hộ (160 hộ/203 hộ) trong thôn học hỏi và làm theo. Với tư duy giúp nhau cùng phát triển, ông và các thành viên trong gia đình luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, hướng dẫn về cách trồng, chăm sóc, thu hái cây táo, dưa chuột cho các hộ dân trong thôn. Từ đó đã tạo ra sản lượng lớn, hình thành thị trường táo, dưa chuột trên địa bàn, tạo ra giá trị kinh tế lớn, giúp nhiều hộ dân xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương.

Qua trao đổi với ông Hoàng Văn Oanh, Bí thư Đảng ủy xã Hộ Đáp cho biết thêm. "Ông Chu Văn Chịch ở địa phương ngoài việc tích cực nghiên cứu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế thì còn rất tích cực hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương. Ông đã  tham gia vào Tổ Covid 19 cộng đồng, cùng Ban công tác mặt trận thôn vận động nhân dân ủng hộ Quỹ vắc xin được 2 triệu đồng; gia đình ông đã tự nguyện hiến trên 130m² đất làm đường liên thôn. Bên cạnh đó ông còn tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: cùng Câu lạc bộ luyện tập, giao lưu văn nghệ, động viên, khuyến khích và truyền dậy cho con, cháu các làn điệu dân ca Nùng. Với kinh nghiệm và kỹ thuật nhuộm “vải chàm” được cha ông lưu truyền lại, trong những năm qua gia đình ông Chu Văn Chịch đã gia công, nhuộm hàng ngàn mét vải chàm, phục vụ nhu cầu may trang phục, túi vải và các vật dụng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng trong vùng, góp phần vào việc giữ gìn và nâng cao ý thức giữ gìn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn".

Trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, với những nỗ lực của bản thân, sự năng động, nhiệt huyết và có kinh nghiệm trong cách trồng và chăm sóc cây trồng, được sự tin tưởng của mọi người dân trong thôn, ông đã mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ trong thôn Khuôn Trang để cùng nhau phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Nguyên Phúc

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh