Thứ ba, 14 Tháng 05 Năm 2024

Thực trạng và giải pháp nâng cao hoạt động các công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong giai đoạn 2005- 2019, khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang được đầu tư xây dựng 71 công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy theo chương trình 134, 1592, 755/TTg. Sau đầu tư, các công trình được các xã trực tiếp quản lý, khai thác vận hành đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của đồng bào các dân tộc trong vùng. Tuy nhiên, sau quá trình khai thác đến nay, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới nhiều công trình đã hỏng hóc, xuống cấp, không đáp ứng được nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cung cấp cho đồng bào.

 

Nhằm đánh giá thực trạng các hoạt động, công tác quản lý, sử dụng sau đầu tư; xác định được nguyên nhân tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của các công trình, nguyên nhân của những hạn chế, kém hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng công trình. Từ đó đề ra những giải pháp thiết thực, căn cơ, bền vững nhằm nâng cao hiệu quả các công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy, Ban Dân tộc đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học: “Đánh giá thực trạng công trình, công tác quản lý, vận hành và đề xuất giải pháp nâng cao hoạt động các công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang”.

Để có căn cứ khoa học về hệ thống lý luận và thực tiễn phục vụ công tác nghiên cứu đề tài. Nhóm nghiên cứu – thuộc Ban Dân tộc đã tiến hành sưu tầm, thống kê, tổng hợp, phân tích đánh giá các văn bản, tài liệu, báo cáo của Trung ương, của tỉnh và các sở, ngành liên quan; kết hợp dữ liệu thông qua 03 phiếu khảo sát thực địa tại các công trình. Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy: Trải qua thời gian hoạt động gần 20 năm, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong tổng số 71 công trình đã được đầu tư xây dựng: Chỉ còn 18/71 công trình còn hoạt động bền vững; 11/71 hoạt động trung bình; 03/71 công trình hoạt động kém hiệu quả; và có tới 39/71 công trình không còn hoạt động.

 Địa phương còn nhiều công trình hoạt động bền vững hoặc trung bình nhiều nhất là Sơn Động, với 16/26 công trình, chiếm tỷ lệ 61,54% số công trình còn hoạt động bền vững; 6/26 công trình, chiếm 23,08% số công trình hoạt động trung bình; và chỉ có 04/26 công trình, chiếm tỷ lệ 15,38% số công trình không còn hoạt động.

Ở chiều ngược lại, huyện Lục Ngạn, có tới 20/25 công trình, chiếm tỷ lệ 80% số công trình không hoạt động; 02/25 công trình, chiếm tỷ lệ 8% số công trình hoạt động kém hiệu quả; không có công trình nào hoạt động bền vững; và chỉ còn 03/25 công trình, chiếm tỷ lệ 12% số công trình còn hoạt động, nhưng ở mức trung bình.      

Tương tự, huyện Lục Nam, có tới 11/13 công trình, chiếm tỷ lệ 84,61% số công trình không hoạt động; và chỉ còn 02/13 công trình, chiếm tỷ lệ 15,39% số công trình còn hoạt động ở mức bền vững.

Đặc biệt, huyện Yên Thế, có 04/07 công trình, chiếm tỷ lệ 57,14% số công trình không hoạt động; 02/07 công trình, chiếm 28,57% số công trình hoạt động trung bình; 01/07 công trình, chiếm tỷ lệ 14,28% số công trình còn hoạt động kém hiệu quả; không còn công trình hoạt động bền vững.

Từ thực trạng các công trình, Nhóm nghiên cứu đã phân tích, làm rõ các nguyên nhân, yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công trình nước sinh hoạt tập trung. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích, kiểm định, đánh giá chất lượng nước và các nhân tố tác động, ảnh hưởng đến hoạt động các công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang; đánh giá được công tác đầu tư, quản lý, vận hành các công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang.

Cùng với đó, bằng nguồn vốn duy tu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2021- 2022. Đề tài đã xây dựng thành công mô hình điểm về công tác quản lý, vận hành công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn thôn Ao Bồng, xã Vĩnh An, huyện Sơn Động; tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức nghiệp vụ, vận hành sử dụng công trình nước sinh hoạt tự chảy và Hội thảo khoa học chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các công trình nước sinh hoạt tự chảy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang.

Trên cơ sở thực tiễn và kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất được những giải pháp thiết thực, căn cơ, bền vững nhằm nâng cao hiệu quả các công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy trên địa bàn tỉnh. Trong đó bao gồm những nhóm giải pháp về: Công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng; về quản lý, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát; về kỹ thuật; về huy động các nguồn vốn, nguồn lực; tăng cường phát triển, bảo vệ rừng và bảo vệ nguồn nước; triển khai các hoạt động nhân rộng mô hình hiệu quả; trách nhiệm về quản lý công trình sau đầu tư trên địa bàn xã; công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư...      

Kết quả nghiên cứu đề tài là căn cứ, cơ sở lý luận quan trọng giúp Ban Dân tộc phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác triển khai chỉ đạo xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; và triển khai các giải pháp nhằm duy tu, bảo dưỡng và khôi phục, nâng cao chất lượng hoạt động của các công trình đã được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2005 – 2019./

Hoàng Công

Thư viện ảnh Thư viện ảnh