Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Tổ trưởng Tổ hợp tác làm kinh tế giỏi giúp Hội viên thoát nghèo

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thời gian gần đây, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được triển khai, thực hiện bằng nhiều hình thức, điển hình là việc thành lập mô hình Tổ hợp tác làm kinh tế giúp nhiều phụ nữ sản xuất, vươn lên làm giàu. Tổ hợp tác và tiêu thụ nông sản bản Tràng Bắn do chị Nguyễn Thị Hải, sinh năm 1984, dân tộc Tày làm Tổ trưởng là một điển hình làm kinh tế giỏi và giúp được nhiều Hội viên là người dân tộc thiểu số trong vùng thoát nghèo, bà con tin yêu.

Chị Nguyễn Thị Hải - Tổ trưởng, Tổ hợp tác và tiêu thụ nông sản bản Tràng Bắn (bên phải)

Đồng Vương là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thế với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2344,31ha, dân số là 1,382 hộ với 10 dân tộc sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Người dân chủ yếu là làm nông nghiệp tuy nhiên cuộc sống còn nhiều vất vả, khó khăn, do sự hiểu biết của người dân hạn chế, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, cách xa trung tâm huyện, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư còn hạn chế.

Là một người phụ nữ năng động, ham học hỏi chị Hải luôn trăn trở làm thế nào để thu nhập gia đình được cải thiện, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Chị tham khảo, tìm các loại cây trồng phù hợp, cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế đưa vào trồng. Do chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, cây trồng của chị luôn đạt năng suất cao, hình thức đẹp được thương lái thu mua với giá cao. Năm 2010, chị tham gia thu mua nông sản của bà con tại bản Tràng Bắn và một số xã khác. Lúc đầu, chị làm với quy mô nhỏ lẻ, sau một thời gian có mối hàng và kinh nghiệm chị đã mở rộng quy mô số lượng lớn. Năm 2020, được sự hỗ trợ từ UBND xã Đồng Vương, chị thành lập Tổ hợp tác và tiêu thụ nông sản bản Tràng Bắn giúp thuận lợi trong việc sản xuất, thu mua sản phẩm cho bà con.

Thu mua nông sản cho bà con

Trước khi có Tổ hợp tác việc canh tác, sản xuất sản phẩm nông nghiệp của bà con manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập không ổn định, không có kỹ thuật chăm sóc, phòng sâu bệnh hại dẫn đến năng suất giảm, mẫu mã không đẹp, bị thương lái ép giá, đầu ra không ổn định.  

Từ khi có Tổ hợp tác, các thành viên được chị Hải cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… hướng dẫn phương pháp chăm bón, áp dụng khoa học kỹ thuật cao, được thăm quan học tập mô hình sản xuất hiệu quả. Sản phẩm hoa màu do các hội viên sản xuất chị thu mua, bao tiêu với giá cao, cho thu nhập bình quân 15-20 triệu đồng/sào.

Các thành viên Tổ hợp tác phân loại và đóng gói ớt

Bà Tô Thị Đạo, bản Tràng Bắn, xã Đồng Vương tham gia vào Tổ hợp tác được chị Hải hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, cung cấp cây giống, bà chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ớt và một số rau màu khác, sản phẩm làm ra được Tổ hợp tác bao tiêu toàn bộ nên hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống gia đình bà được cải thiện.

Chị Hải cho biết: “Là người dân tộc thiểu số và là Tổ trưởng Tổ hợp tác, tôi nhận thấy bản thân phải có trách nhiệm tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các thành viên và bà con, xóa bỏ thói quen canh tác lạc hậu. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để thay đổi được lối sống, cách làm cũ, lạc hậu không còn phù hợp của bà con. Mong muốn đưa được giống tốt, giống mới, kỹ thuật chăm sóc để cho sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Hiện nay tôi đang thu mua nông sản cho 5 xã vùng cao, một số xã của huyện Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn tiêu thụ tại các chợ đầu mối và xuất đi các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan...các mặt hàng chủ yếu là lạc, ngô, khoai, sắn, vải thiều, nhãn, dưa, ớt…”.

Chị Hải đã có công rất lớn trong việc đi đầu, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế địa phương

Ông Trần Xuân Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Vương cho biết: “Việc thành lập Tổ hợp tác giúp cho các thành viên được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát huy thế mạnh, tạo cơ hội quảng bá, tiêu thụ, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho thành viên. Chị Hải – Tổ trưởng Tổ hợp tác và tiêu thụ nông sản bản Tràng Bắn không chỉ là gương điển hình phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi mà còn là hội viên phụ nữ tích cực, luôn tham gia đầy đủ các phong trào do Hội Phụ nữ xã phát động tại địa phương, cùng giúp đỡ các thành viên phát triển kinh tế”.

Có thể thấy, việc tận dụng các tiềm năng sẵn có và lao động của địa phương trong phát triển kinh tế nông nghiệp đang là hướng đi mang lại thu nhập cho bà con nhân dân, thành viên trong Tổ hợp tác và chị Hải đã có công rất lớn trong việc đi đầu, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế của Tổ hợp tác, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và giúp bà con thoát nghèo bền vững./.

Thu Trang

Thư viện ảnh Thư viện ảnh